(Dân trí) - Tại khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp cấp tính, tiêu chảy chiếm tới trên 50% số trẻ em tới
khám nhi. Trong đó, nhiều trường hợp trẻ dưới 2 tuổi bị viêm phổi, tiêu chảy mất nước nặng phải nhập viện.
50% là bệnh hô hấp, tiêu hóa
Có mặt tại khoa Nhi (BV Bạch Mai) đúng giờ các bác sĩ đi buồng, thăm khám bệnh nhân, vào thuốc tại phòng bệnh, các phòng bệnh càng trở nên đông đúc, chật chội. Dù phòng có điều hòa, quạt nhưng cũng không thể làm dịu sự oi bức bởi số bệnh nhân quá đông đúc, phải nằm ghép 2 - 3 người một giường. Các bé nhễ nhại mồ hôi, người lớn thì phải luôn tay quạt cho trẻ.
Bệnh nhi phải nằm ghép 2 - 3 người một giường.
BS Nguyễn Thành Nam, Khoa Nhi BV Bạch Mai cho biết, hai tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi đến khám tại bệnh viện có tăng từ 30 - 50%, chủ yếu là các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa.
Hiện tại, trung bình một ngày phòng
khám nhi tại Khoa khám bệnh (BV Bạch Mai) tiếp đón từ 250 - 300 trẻ tới khám, trong đó, hơn một nửa số này là các bệnh về đường hô hấp cấp tính, viêm mũi họng, sốt vi rút, tiêu chảy do vi rút…
Số lượng bệnh nhi khám đêm cũng tăng lên, trung bình 80 – 100 trẻ/đêm, có những đêm, số bệnh nhi tới khám cũng vượt cả con số này.
“Bình thường, lượng bệnh nhi khám đêm chỉ dao động 50 – 60 trẻ/đêm. Nhưng mấy ngày hôm nay, bác sĩ trực phải làm việc rất vất vả bởi số bệnh nhi đến khám quá đông, trong đó nhiều trẻ phải nhập viện vì có biến chứng nặng viêm phổi, mất nước. Có những hôm, 1 - 2 giờ sáng vẫn có bệnh nhân được gia đình đưa tới viện bởi sốt cao, khó thở”, BS Nam cho biết.
Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thay đổi thời tiết như hiện nay cực “nhạy” với trẻ em. Với nền nhiệt ngày nắng hanh, trong khi sáng sớm và đêm thì trời lạnh, môi trường thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh phát triển và trẻ em là đối tượng có sức đề kháng yếu, dễ bị vi rút tấn công.
Nhiều ca viêm phổi nặng
Bệnh nhi Nguyễn Thúy Hằng (35 ngày tuổi) đã bước sang ngày thứ 4 điều trị viêm phổi nhưng tình trạng viêm phổi vẫn rất nặng, bé ho nhiều, tiết nhiều đờm, dãi, vẫn phải nằm theo dõi tại phòng cấp cứu, hút đờm dãi hàng ngày.
Số bệnh nhi đến khám, nhập viện tăng từ 30 - 50% khiến bệnh phòng quá tải, bác sĩ cũng phải quay như chong chóng để khám bệnh cho các bé.
Nhân viên y tế làm thủ thuật hút đờm dãi cho bệnh nhi sơ sinh viêm phổi.
Chị Nguyễn Thị Phong, mẹ bé Chị cho biết, trước đó 6 ngày, bé Hằng hơi có biểu hiện khịt mũi, xổ mũi, chị đã nhỏ muối sinh lý cho con hàng ngày nhưng không đỡ, mũi ngày càng khịt hơn kèm theo ho. “Bé cũng không hề bị sốt nên tôi không nghĩ con bị viêm phổi. Vốn định đưa con đi khám nhưng hai ngày đều gặp trời mưa nên trì hoãn, hơn nữa mình nghĩ chắc tại con sinh non nên vậy. Không ngờ, đến đêm 25/8, thấy con không thở được, cứ ngớp lên, quấy khóc vội đưa con đi viện thì bé đã bị viêm phổi, phải nhập viện điều trị”, chị Phong nói.
Bé Phạm Quỳnh Chi (11 tháng Hoàng Liệt, Hoàng Mai Hà Nội) cũng đang phải điều trị viêm phổi tại
khoa nhi BV Bạch Mai được 3 ngày. Chị Phạm Thu Trang, mẹ bé Chi cho biết, sau một ngày con sốt cao liên tục, lên đến 39 độ C kèm nôn chị cho con nhập viện luôn mà bé đã bị viêm phổi. Trước đó, con chỉ húng hắng ho kèm sổ mũi.
BS Nguyễn Thành Nam cho biết, trong tổng số bệnh nhi phải nhập viện thì có tới 1/3 bệnh nhi là do viêm phổi, tiếp đó là tiêu chảy mất nước và các bệnh lý khác.
Hầu hết các ca bệnh đến khám và nhập viện do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, ho nhiều, có đờm, đau họng, viêm phế quản. Ở trẻ nhỏ thì có biểu hiện bỏ bú, khó thở, ho do tắc đờm. Đặc biệt là những trẻ hen phế quản, thời tiết này khiến tình trạng ho, rít vì hen rất nặng nề. Có những bé, cả một mùa hè không phải dùng xịt dự phòng hen, nhưng thời điểm này, dùng liên tục vẫn có cơn ho, rít và hen phế quản cũng bắt đầu tăng mạnh. Ở những trường hợp nhỏ dưới 6 tháng tuổi bệnh cũng diễn tiến nhanh cấp tính và thường phải nằm ở viện lâu hơn…
Chị L.K.O (mẹ bé N.T.P) ngồi đợi tư vấn hen cho biết, trước đó, con chị đã được bác sĩ kê kiểm soát hen. Bẵng đi một tuần chị đi công tác con không được dùng thuốc đều, đúng chiều qua (28/8), đón con đi học về chị thấy con có những cơn khó khở, khò khè không bình thường nên vội vàng đưa con tới viện khám.
Các bác sĩ cảnh báo, để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp, tiêu chảy trong thời điểm này, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường trái cây, vitamin. Lưu ý nhiệt độ phòng cho trẻ, tránh tình trạng trẻ bị nóng hoặc quá lạnh. Ngoài ra, cũng cần có ý thức phòng tránh hiện tượng nhiễm chéo bệnh ngay trong cùng một gia đình. Vì hầu hết các bệnh lý này đều lây qua đường hô hấp, nên khi trong gia đình có người bị hắt hơi, xổ mũi cần có ý thức phòng tránh bằng cách che chắn khi ho, hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang… để không lây bệnh sang các thành viên khác.
Cho trẻ ăn phong phú, uống đủ nước chơi ở nơi thoáng mát. Với những vật dụng mà trẻ hay tiếp xúc cần giặt giũ thường xuyên, phơi phóng khô ráo. Trong phòng ngủ của trẻ cần vệ sinh sạch sẽ, không nên dùng tấm trải sàn. Ngoài ra cũng cần chú ý tới những tủ sách lâu năm trong gia đình (khiến trẻ hít phải bụi, mốc từ sách mà bị viêm mũi dị ứng, lên cơn hen). Đã có rất nhiều trường hợp lên cơn hen cấp tính phải nhập viện sau khi cho trẻ chơi, đọc những quyển sách đó.
Với trẻ nhỏ, viêm mũi họng dị ứng, hắt hơi nhiều nên sử dụng nước muối sinh lý (trời lạnh thì ngâm trong nước ấm cho tan giá) để rửa mũi cho trẻ, giúp làm sạch đường thở, giảm bớt chất nhầy tồn đọng. Còn nếu thấy tình trạng trẻ sổ mũi kèm sốt, ho cần đưa đến viện khám, không tùy tiện dùng thuốc rất nguy hiểm cho trẻ.