Một vài lời khuyên từ bác sĩ Lê Đình Phương cho những bà mẹ đưa con nhỏ đi khám bệnh.
1. Hãy lấy hẹn trước, nếu nơi bạn khám bệnh có tổ chức việc này. Việc khám bệnh theo hẹn sẽ tránh được chuyện cả trăm con người chen chúc, lay lắt nằm ngồi chờ đến lượt mình. Bạn không phải chầu chực lâu, và giảm được áp lực của đám đông lên người thầy thuốc.
2. Nếu không thật cần kíp, hãy đi khám vào buổi chiều. Một thói quen khá lạ của người Việt Nam là thích đi khám vào buổi sáng, trong khi các phòng khám lại thường vắng hoe từ sau giờ nghỉ trưa đến cuối giờ chiều. Thật vậy, nếu không vì một vài xét nghiệm cần thiết phải làm sau một đêm nhịn đói, bạn hoàn toàn có thể đến bệnh viện vào buổi chiều. Vừa đỡ mất công chờ đợi, vừa an tâm hơn nếu thầy thuốc có thể dành nhiều thời gian hơn cho bạn.
3. Tránh đi
khám nhi vào các buổi sáng đầu tuần hay cuối tuần. Tin tôi đi, mọi thứ hai đầu tuần là cơn ác mộng của tất cả các thầy thuốc. Rồi không hẹn mà gặp, dường như mọi bệnh nhân đều đổ xô về bệnh viện trong ngày cuối tuần, kể cả những người bệnh triền miên như cao huyết áp, tiểu đường… Đã phải giải quyết những tồn đọng sau 2 ngày cuối tuần, hệ thống y tế lại càng quá tải với một làn sóng bệnh nhân vào ngày đầu tuần.
Cũng vì vậy, nên tránh ngày cuối tuần. Nhiều bệnh viện chỉ làm nửa ngày thứ 7, không đủ thời gian khảo sát cho thấu đáo là đương nhiên. Nhân viên nghỉ bù, ra trực, vô trực…, thiếu hụt nhân lực, chậm trễ là điều khó tránh. Đã có nhiều thống kê cho thấy tỉ lệ sai sót, và ngay cả tử vong tăng lên đáng kể trong các bệnh viện ở Mỹ vào ngày cuối tuần.
4. Hãy chuẩn bị tử tế hồ sơ của mình. Rất nhiều lần, tôi đã toát mồ hôi hột khi phải loay hoay lật từng trang xét nghiệm, bệnh án nhàu nát, thậm chí hôi hám, đầy kiến và mối mọt, mà bệnh nhân mang lại. Thật tệ, những người này không hề ý thức được, chuẩn bị hồ sơ cũ của mình cho tử tế, ngăn nắp, sạch sẽ… cũng là một cách tiết kiệm khá nhiều thời gian cho thầy thuốc. Và chắc chắn, một hồ sơ bệnh sử thông suốt, chu đáo sẽ dẫn đến nhiều thành công hơn cho cuộc khám bệnh hiện tại, chắc chắn là thế.
Nhưng mà có hồ sơ cũ, dù nhếch nhác bẩn thỉu cũng là đỡ. Khá nhiều gia đình, không hiểu do đâu, đi khám bệnh về là vứt ngay hồ sơ vào sọt rác. Hoặc không thèm mang theo trong những lần khám bệnh kế tiếp, “Có gì bác sĩ cứ cho làm lại từ đầu cho cháu, tôi không ngại tốn kém!”. Đây không phải là vấn đề tốn kém, mà người thầy thuốc cần nắm được diễn tiến của bệnh trong quá khứ, qua những bằng chứng giấy trắng mực đen. Với lại, dù có làm lại từ đầu, rất mất thời gian để xác định lại những chẩn đoán đã được có trong những lần khám trước. Đó là chưa kể nếu không có toa thuốc cũ, làm sao đoán được con bạn đã và đang uống thuốc gì nếu như bệnh nhân cứ hồn nhiên thế này: “Dạ, ổng cho tui uống 1 viên thuốc màu đỏ vào buổi sáng, nửa viên thuốc vàng vàng vào buổi tối” (?)
Hồ sơ bệnh án cũ là cực kỳ quan trọng, xin hay giữ nó như một bản CV, hay lý lịch sức khỏe của mình.
5. Hãy hòa nhã, lịch sự và tôn trọng những người cùng đi khám, cũng như với nhân viên y tế. Rất đơn giản, xin đừng hút thuốc, nói chuyện lớn tiếng, khạc nhổ, mở chuông điện thoại… nơi công cộng. Không cần áo đầm veston dạ hội, nhưng cũng xin đừng mặc áo ngủ quần đùi đi khám bệnh. Cũng chẳng cần trang điểm đậm như sắp đi chụp ảnh thời trang. Ví dụ nhé: đánh son môi, sơn móng tay chẳng hạn, đã che mắt thầy thuốc về triệu chứng thiếu máu hay tím tái, nếu có.
Bác sỹ Lê Đình Phương