ND - Sức khỏe của trẻ em là sự quan tâm sâu sắc của mỗi gia đình. Tình trạng dinh dưỡng trong những năm đầu cũng là nền tảng quan trọng của sức khỏe trong cả cuộc đời. Ở Việt Nam, tình trạng dinh dưỡng của trẻ em còn nhiều vấn đề trầm trọng vì ảnh hưởng bởi nhiều năm chiến tranh và kinh tế thấp kém. Năm 1985 cứ hai trẻ em Việt Nam thì có một trẻ bị
suy dinh dưỡng và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tăng nguy cơ tử vong.
Đứng trước vấn đề nghiêm trọng đó, giảm
suy dinh dưỡng trẻ em, nâng cao tình trạng dinh dưỡng đã được chỉ rõ trong nghị quyết của Đại hội Đảng, nghị quyết của Quốc hội và là một chỉ tiêu quan trọng của phát triển xã hội của đất nước. Các can thiệp phòng chống
suy dinh dưỡng ở Việt Nam đã được triển khai rất sớm và từ năm 1998 đã trở thành một dự án thuộc chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế đóng vai trò nòng cốt với sự tham gia của các viện, vụ, các bệnh viện và hệ thống y tế địa phương gồm sở y tế, trung tâm sức khỏe sinh sản, trung tâm y tế dự phòng, y tế dự phòng tuyến huyện, trạm y tế xã và y tế thôn bản.
Trong mười năm qua, hoạt động phòng chống
suy dinh dưỡng đã được triển khai tại 100% xã phường trên cả nước và trở thành một hoạt động xã hội với sự phối hợp của ngành y tế, các bộ ban ngành và chính quyền địa phương các cấp và nhiều tổ chức xã hội trong nước và quốc tế. Các hoạt động bao gồm chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, giáo dục truyền thông cho phụ nữ mang thai, bà mẹ có con dưới năm tuổi, theo dõi đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em và triển khai các can thiệp phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em
suy dinh dưỡng ở vùng miền núi, vùng khó khăn. Với nhiều nỗ lực và cố gắng đó, Việt Nam đã đạt được những thành tích quan trọng trong giảm
suy dinh dưỡng trẻ em, tỷ lệ
suy dinh dưỡng thể nhẹ cân của trẻ em dưới năm tuổi từ 38,7% (năm 1998) xuống còn 18,9% (năm 2009). Trên 1,5 triệu trẻ em thoát khỏi tình trạng
suy dinh dưỡng. Kết quả này đã vượt mức kế hoạch đề ra trong nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ mười (giảm xuống dưới 20% vào năm 2010).
Bên cạnh những thành tích cơ bản về giảm tỷ lệ
suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với những vấn đề về dinh dưỡng trẻ em rất nghiêm trọng. So với các nước khác trong khu vực, chúng ta mới chỉ tập trung đến giảm
suy dinh dưỡng về cân nặng, chưa có đủ điều kiện về nguồn lực để triển khai các can thiệp giảm
suy dinh dưỡng thấp còi. Bên cạnh đó, các can thiệp phục hồi dinh dưỡng cho trẻ bị
suy dinh dưỡng nặng, phòng chống thừa cân béo phì và dinh dưỡng trong hệ thống trường học cũng chưa có điều kiện để triển khai đầy đủ. Nếu nhìn vào các vấn đề dinh dưỡng ở trẻ em, chúng ta có thể thấy các vấn đề là nghiêm trọng, đa dạng và dàn trải ở tất cả các địa phương trên cả nước.
Về chiều cao của trẻ em Việt Nam: Hiện tại tỷ lệ
suy dinh dưỡng về chiều cao của trẻ em còn là một vấn đề hết sức nghiêm trọng với 31,9% trẻ em bị
suy dinh dưỡng về chiều cao (năm 2009). Suy dinh dưỡng thấp còi là một dạng
suy dinh dưỡng mãn tính, để lại hậu quả lâu dài về thể chất khi trưởng thành, dễ mắc phải các bệnh khi trưởng thành như: thừa cân béo phì, đái tháo đường... Tổ chức y tế thế giới đã khuyến nghị hai nhóm đối tượng quan trọng cần được tăng cường dinh dưỡng để giảm
suy dinh dưỡng thấp còi là phụ nữ mang thai và trẻ em dưới hai tuổi. Giảm
suy dinh dưỡng thấp còi sẽ trực tiếp cải thiện tầm vóc, thể lực, cải thiện giống nòi người Việt Nam.
Những can thiệp phục hồi dinh dưỡng cho trẻ em bị
suy dinh dưỡng nặng là rất cần thiết để bảo đảm sự sống, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Việc chăm lo đến dinh dưỡng cho trẻ em ở các vùng thiên tai bão lũ cũng cần có những chiến lược và can thiệp đặc hiệu, các sản phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng phải được coi là ưu tiên hàng đầu trong cứu trợ cho người dân, đặc biệt là cho trẻ em, đối tượng đang trong giai đoạn phát triển và cần được quan tâm nhất.
Vấn đề thừa cân béo phì ở trẻ em đang tăng nhanh, tỷ lệ này chung trên cả nước ở trẻ em từ 0 đến năm tuổi đã ở mức 5%. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tỷ lệ này đã ở mức 9 đến 12%. Đây là một vấn đề mà các nước phát triển trên thế giới đang phải đối mặt và nếu chúng ta không sớm khởi động các giải pháp và can thiệp thì việc tăng lên các bệnh mãn tính không lây ở người trưởng thành liên quan đến dinh dưỡng như cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư... sẽ đến trong một tương lai không xa.
Dinh dưỡng học đường cho đến nay cũng chưa được triển khai đầy đủ và có chất lượng trên diện rộng, đây là một can thiệp quan trọng vào giai đoạn tăng trưởng nhanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thể lực của trẻ em.
Để giải quyết những vấn đề cấp bách nói trên vì một đất nước với những con người khỏe mạnh, cần thiết phải có những chiến lược và giải pháp tổng thể về dinh dưỡng trong giai đoạn tới trong đó các vấn đề về tình trạng dinh dưỡng trẻ em cần được quan tâm và đẩy mạnh hoạt động can thiệp ở tất cả các vấn đề đang tồn tại. Các can thiệp cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em cần được tiến hành liên tục, bền bỉ trong nhiều năm vì mục tiêu phát triển lâu dài. Cần thiết phải đẩy mạnh các hoạt động dinh dưỡng trên toàn quốc, đồng thời có những giải pháp đặc thù cho từng vùng, đặc biệt ở vùng khó khăn.
Những thành tích trong giai đoạn vừa qua là không nhỏ, tuy nhiên những thách thức trong thời gian tới cũng rất lớn. Với một chiến lược đúng đắn, sự phối hợp mạnh mẽ của các bộ ngành, các tổ chức xã hội và sự nỗ lực của các địa phương, chúng ta tin tưởng rằng sau mười năm nữa trẻ em của chúng ta ít tử vong vì
suy dinh dưỡng hơn, trẻ em Việt Nam sẽ cao hơn, khỏe mạnh hơn... Đó là nền tảng của sức khỏe trong suốt cuộc đời, đó cũng là niềm vui, hạnh phúc của mỗi gia đình và của đất nước ta.