Đối tượng dễ mắc là trẻ nhỏ
Đối tượng hay mắc là trẻ nhỏ nhất là với trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng. Nguyên nhân gây bệnh thường do virut cúm như H1N1, H5N1... hoặc do vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu... Đối với trẻ sơ sinh, có những triệu chứng và dấu hiệu trướng bụng, da xanh tím, đặc biệt trẻ hay sùi bọt, nhịp thở có thể nhanh trên 50 - 60 lần/phút. Đối với trẻ suy dinh dưỡng nặng, khi mắc bệnh này, thường nhiệt độ không cao, trẻ thường có rối loạn nhịp thở, thỉnh thoảng có cơn ngừng thở ngắn, nhịp thở nhanh so với lứa tuổi. Khi bệnh nặng nghe phổi thấy có ran rít, ran ngáy rải rác ở một hoặc hai bên phổi, chụp Xquang có nốt mờ rải rác ở hai phổi, xét nghiệm máu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.
Vì sao bệnh nặng hơn khi trẻ mắc?
Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ bị viêm phế quản phổi bệnh sẽ chuyển biến nhanh và nặng, bởi hệ thống miễn dịch ở trẻ chưa hoàn chỉnh, bản thân trẻ chưa "sản" ra đủ các yếu tố chống lại vi khuẩn mỗi khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Hơn nữa, hệ bạch mạch và hệ mạch máu ở trẻ rất phong phú, đan xen lẫn nhau như mạng nhện, do đó vi khuẩn vào cơ thể trẻ ngoài việc rất ít yếu tố ngăn chặn, bao vây, lại còn nhiều đường đi nên lan rất nhanh từ chỗ này đến chỗ khác. Đồng thời cây phế quản ở trẻ em còn ngắn và hẹp, do đó mỗi khi viêm rất dễ bị bịt tắc do niêm mạc bị phù nề và đờm dãi.
Phát hiện sớm điều trị sẽ hiệu quả
Đối với bệnh viêm phế quản phổi, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân và mức độ nặng, vừa hay nhẹ của bệnh. Viêm phế quản phổi nếu được phát hiện và điều trị đúng, sớm sẽ rất hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời bệnh diễn biến nhanh và dễ gây tử vong. Bởi vậy, khi thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Tuyệt đối không được tự ý dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Huy Thông