Theo đó từ nay đến hết năm 2010, thành phố sẽ triển khai thí điểm mô hình này tại quận 1, quận 8 và huyện Củ Chi. Ngoài 3 phòng khám đặt tại Trung tâm y tế dự phòng của 3 quận huyện trên, sẽ có thêm 2 phòng khám BSGĐ đặt tại 2 phòng khám đa khoa tư nhân gồm: Việt Gia và Thành Công. Các phòng khám này sẽ được trang bị cơ sở vật chất theo đúng chuẩn, có bác sĩ chuyên khoa y học gia đình đảm trách và có cùng cơ chế hoạt động thống nhất.
Theo kết quả nghiên cứu từ các nước, hàng ngày, BSGĐ có thể giải quyết 70% - 80% các vấn đề bệnh tật thông thường cho bệnh nhân và gia đình của họ. Việc triển khai mô hình BSGĐ sẽ góp phần cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện chuyên khoa – vốn là vấn đề bức bách của thành phố hiện nay, nhất là khi số giường bệnh của Việt Nam hiện còn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (28 - 30 giường/10.000 dân).
Ngày 4-11, Sở Y tế TPHCM đã có buổi làm việc với Tổ chức Cứu trợ trẻ em toàn cầu về dự án dinh dưỡng dành cho trẻ em Việt Nam, sẽ kéo dài từ nay đến 2013. Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai tại 15 tỉnh thành của Việt Nam với kinh phí từ 150.000 - 200.000 USD cho mỗi địa phương. Mục tiêu chung của dự án là giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, giảm ít nhất 2% trẻ suy dinh dưỡng dạng thấp còi mỗi năm.
Hiện Việt Nam là một trong 20 nước có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao nhất thế giới và tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu chỉ đạt 17%.
K.Liên - Tg.Lâm