Mục tiêu của hội nghị nhằm thống nhất chiến lược đẩy lùi nạn đói, tìm kiếm cam kết để cùng xóa bỏ nạn đói vào năm 2025, bảo đảm quyền tiếp cận lương thực và giải quyết cơ bản nạn đói hiện nay.
Đói vì lơ là với nông nghiệp
Trước thềm hội nghị, ngày 11-11, Tổng Giám đốc FAO Jacques Diouf đã phát động chiến dịch ký tên chống nạn đói trên trang web www.1billionhungry.org để thúc đẩy các nhà lãnh đạo thế giới chuyển từ lời nói sang hành động. Ông cũng kêu gọi mọi người tuyệt thực trong 24 tiếng trong ngày 14 hoặc 15-11. Riêng bản thân ông sẽ không ăn từ sáng ngày 14-11.
Ông Jacques Diouf nhấn mạnh cứ mỗi sáu giây lại có một trẻ em chết vì đói và bi kịch đói kém sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và an ninh xã hội. Ông tuyên bố: “Không loại trừ một cuộc khủng hoảng lương thực mới sẽ xảy ra trên thế giới. 31 nước đang mất an ninh lương thực nghiêm trọng, gồm 20 nước châu Phi và 11 nước châu Á”.
Hôm 10-11, FAO cũng đã công bố báo cáo với tựa đề Viễn cảnh mùa vụ và tình hình lương thực. Báo cáo ghi nhận năm 2009 là năm được mùa lúa nhưng dân nghèo vẫn đói. Tại châu Phi, hạn hán, xung đột kéo dài, giao thương hạn chế và giá lương thực cao đã đẩy 20 triệu người vào cảnh đói kém. Riêng tại Somalia có đến 50% dân số cần được cứu trợ lương thực.
Báo cáo phân tích, người dân ở những nước nghèo phải chi đến 80% thu nhập cho thực phẩm. Trong khi đó, giá lương thực nói chung giảm đáng kể so với hai năm trước nhưng giá một số lương thực chính như gạo, bột mì, bắp vẫn cao hơn trước thời điểm khủng hoảng kinh tế.
Theo ông Jacques Diouf, khủng hoảng lương thực trầm trọng hiện nay là hậu quả của quá trình 20 năm thế giới lơ là đầu tư cho nông nghiệp.
Nghèo đói và suy dinh dưỡng
Nhân hội nghị thượng đỉnh ở Rome, ngày 11-11, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã công bố báo cáo với tựa đề Theo dõi tiến bộ trong lĩnh vực phát triển trẻ em và bà mẹ. Báo cáo ghi nhận gần 200 triệu trẻ dưới năm tuổi ở các nước đang phát triển còi cọc do tình trạng suy dinh dưỡng từ bà mẹ và trẻ em.
Theo báo cáo, hơn 1/3 số trẻ dưới năm tuổi chết vì viêm phổi, tiêu chảy và các bệnh khác đều có liên quan đến suy dinh dưỡng. Trong số trẻ suy dinh dưỡng có hơn 90% ở châu Phi và châu Á. Riêng Nam Á (Afghanistan, Nepal, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan) chiếm 83 triệu trẻ.
Báo cáo nêu 80% trẻ suy dinh dưỡng tập trung ở 24 nước. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất ở Afghanistan (59%), Yemen (58%), Guatemala và Đông Timor (54%), CHDC Congo (46%), CHDCND Triều Tiên (45%), Ấn Độ (43%).
Báo cáo ghi nhận ở châu Á, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 44% trong năm 1990 còn 33% năm 2008 thì ở châu Phi, tỷ lệ giảm không đáng kể (38% năm 1990 và 34% năm 2008).
Nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng do khủng hoảng kinh tế và giá lương thực tăng cao khiến bữa ăn thiếu chất. Báo cáo nhấn mạnh tình trạng này có thể tránh được nếu cộng đồng quốc tế thực hiện tốt các cam kết về an ninh lương thực, dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Theo báo cáo, nhiều tiến bộ đã đạt được bằng giải pháp ít tốn kém như cho trẻ dùng muối iode, bổ sung sinh tố A. Ở các nước kém phát triển nhất, tỷ lệ trẻ dưới năm tuổi được bổ sung sinh tố A đã tăng gấp đôi, từ 41% năm 2000 tăng lên 88% năm 2008. Biện pháp bú sữa mẹ đến sáu tháng tuổi kết hợp với thức ăn dinh dưỡng bổ sung thích hợp cũng góp phần giảm 12%-15% số trẻ chết ở các nước đang phát triển.
UNICEF cảnh báo: Nếu không loại trừ suy dinh dưỡng hôm nay, trong tương lai chi phí sẽ còn tốn kém; và nếu không hành động ngay sẽ sản sinh một thế hệ yếu ớt và cái vòng nghèo đói sẽ còn luẩn quẩn.
Ngày 11-11, các tổ chức phi chính phủ đã yêu cầu chính phủ các nước G8 thực hiện cam kết viện trợ lương thực 20 tỷ USD như đã hứa tại hội nghị ở L’Aquila (Ý) hồi tháng 7. Tổ chức quốc tế Via Campesina lo ngại các nước G8 không cử nguyên thủ quốc gia đến dự Hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh lương thực ở Rome. Trong khi đó, tổ chức Thầy thuốc không biên giới lo ngại hội nghị thượng đỉnh chỉ tập trung vào sản xuất nông nghiệp mà quên đi các chương trình dinh dưỡng trẻ em. Song song với hội nghị thượng đỉnh, từ ngày 13 đến 17-11, 400 đại biểu của các tổ chức phi chính phủ sẽ tổ chức hội nghị tại Rome theo sáng kiến mang tên Chủ quyền lương thực của các dân tộc ngay bây giờ!