Nguyên nhân trẻ suy dinh dưỡng: Ăn dặm thiếu khoa học
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, giai đoạn ăn dặm dễ khiến trẻ bị suy dinh dưỡng nhất do các bữa ăn thường thiếu các vi chất cần thiết cho cơ thể.
Chế độ ăn không hợp lý
Ths.BS Lưu Thị Mỹ Thục, Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi TƯ cho biết, mỗi ngày trung bình bệnh viện phải tiếp nhận 50 – 60 trẻ nhỏ đến khám và tư vấn dinh dưỡng. Tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) nhẹ cân và SDD thấp còi ở trẻ em hiện nay chủ yếu do thời điểm ăn dặm và chế độ ăn không hợp lý, khiến nhiều trẻ còi cọc, số khác lại tăng cân quá mức, béo phì.
Ngoài ra, do một số trẻ sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên hay bị ốm. Nhiều bà mẹ thấy con bị bệnh như tiêu chảy, sốt, ban đỏ... lại cho trẻ ăn uống kiêng khem quá mức, khiến trẻ rơi vào tình trạng SDD quá nặng.
BS Nguyễn Thị Diệu, Khoa Dinh dưỡng, BV Nhi TƯ cho biết, trẻ SDD có thể gặp ngay từ thời kỳ mang thai nếu người mẹ không được chăm sóc tốt, hoặc sau khi sinh trẻ không được chăm sóc một cách khoa học. Phần lớn trẻ dễ bị SDD trong khoảng thời gian từ 6 - 24 tháng tuổi. Đây là thời kỳ trẻ nhỏ có nhu cầu dinh dưỡng cao, đang tập thích ứng với môi trường và rất nhạy cảm với bệnh tật, nhất là những trẻ không được bú sữa mẹ, sinh nhẹ cân hoặc sinh đa thai.
Về việc ăn dặm không đúng thời điểm khiến trẻ SDD, BS Nguyễn Thị Diệu cho biết thêm, nếu cho ăn dặm sớm, trẻ dễ bị tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa và rất khó hấp thụ thức ăn vì hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Nhưng nếu cho trẻ ăn dặm muộn cũng làm cho trẻ thiếu năng lượng, chất đạm và nhiều chất dinh dưỡng khác. Vì từ tháng thứ 6 trở đi, nhu cầu các chất khoáng như sắt, kẽm của trẻ tăng cao mà sữa mẹ bắt đầu không cung cấp đủ.
Thời điểm tối ưu để cho trẻ ăn dặm là khi trẻ ở tháng thứ 5, vì lúc này, chức năng tiêu hóa của ruột và khả năng của thận trẻ đã khá hoàn thiện, sẵn sàng cho việc ăn, uống ngoài sữa mẹ.
Ăn dặm đúng cách
Theo Ths.BS Lưu Thị Mỹ Thục, giai đoạn ăn dặm là giai đoạn tạo nền tảng sức khỏe và thói quen ăn uống sau này của trẻ. Việc ép ăn hoặc chế biến thức ăn đơn điệu trong giai đoạn này sẽ dẫn tới tình trạng trẻ biếng ăn, lâu dần khiến trẻ gầy ốm, chậm tăng cân so với lứa tuổi. Một sai lầm nữa của nhiều bà mẹ hiện nay thường thấy trẻ biếng ăn là cho cai sữa luôn, bắt trẻ ăn dặm đột ngột khiến cho trẻ không thích nghi kịp. Trẻ sẽ càng bị SDD nặng hơn vì việc cai sữa sẽ làm mất 300 – 400ml sữa mỗi ngày, cộng thêm việc trẻ biếng ăn do còn quen bú sữa mẹ.
Vì vậy, cần cho trẻ ăn từ ít đến nhiều, từ thức ăn loãng đến đặc. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi. Ban đầu chỉ cho trẻ ăn một nhóm thức ăn là tinh bột, sau đó mới thêm các nhóm thức ăn khác như rau, thịt, cá... “Phải cho trẻ ăn cả phần xác thịt, xác cá, xác rau vì chất dinh dưỡng nằm ở phần xác nhiều hơn ở phần nước. Nếu trẻ ăn thiếu rau, cùng với việc thiếu dầu mỡ dễ làm cho trẻ thiếu vitamin A và thiếu vitamin D dẫn tới còi xương. Khi trẻ mới tập ăn dặm nên cho ăn khi trẻ đói, tốt nhất là buổi sáng. Chỉ cho ăn 1 bữa/ngày, mỗi bữa nên ăn từ 1 - 3 muỗng nhỏ. Sau khi ăn phải cho bú thêm”- BS Thục lưu ý.
BS Nguyễn Thị Diệu khuyên, trong bữa ăn của trẻ cần đủ các nhóm thức ăn cơ bản: Bột đường, đạm (thịt, cá, tôm, cua), chất béo (dầu ăn, vừng lạc...) và các loại rau, trái cây. Chế độ ăn tốt nhất là một chế độ ăn đa dạng, thường xuyên thay đổi thức ăn để tránh nhàm chán. Các thức ăn nên được trình bày vui mắt, nhiều màu sắc, đựng trong những chiếc bát có hình thù ngộ nghĩnh để tạo cảm giác cho trẻ thích thú với món ăn.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, 33,9% số trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thấp còi, khoảng 30% trẻ thiếu kẽm, 34% thiếu sắt. Chế độ ăn của trẻ em Việt Nam mới chỉ đạt 30 – 50% so với nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Điều này đã dẫn tới tình trạng là trong hai thập kỷ qua, người trưởng thành Việt Nam chỉ cao thêm trung bình 1,5cm. Có tới 30 – 40% số trẻ dưới 2 tuổi có chiều cao thấp (tính theo lứa tuổi).
Tags:
tu-van