Nguy cơ
Con sẽ dễ bị nhiễm khuẩn hơn những bé khác. Bé suy dinh dưỡng thường thiếu hụt các vitamin, nhất là vitamin A và C, ảnh hưởng đến với hệ thống miễn dịch. Các vi khuẩn dễ dàng tấn công bé. Chức năng bảo vệ da và niêm mạc cũng giảm, khiến bé dễ bị quáng gà, khô mắt, tiêu chảy, viêm hô hấp sởi.
Đặc biệt, bé sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, phân sống, viêm phổi. Mẹ phải đặc biệt lưu ý tới vệ sinh an toàn thực phẩm cho bé: nhà lúc nào cũng khô thoáng, sạch sẽ, tắm gội ở những nơi ấm áp, không có gió lùa, vệ sinh an toàn thực phẩm, không phải uống sữa để lâu.
Con dễ bị hạ thân nhiệt. Vào mùa đông, nếu khong được ủ ấm kịp thời, bé dễ bị cảm lạnh. Hầu hết các bé bị suy dinh dưỡng, các bác sỹ khuyên mẹ nên bế con theo phương pháp Kangguru (ôm sát trẻ vào lòng, da trẻ tiếp xúc liền kề với da mẹ). Không nên để con bị nóng – lạnh đột ngột.
Con dễ bị hạ đường huyết. Bé bị suy dinh dưỡng bào thai sau khi sinh sẽ được theo dõi đường huyết, canci huyết,... Mẹ nên chú ý nếu thấy con khóc thé, run rẩy, co giật, tím tái... Nên cho con bú sữa mẹ thường xuyên và liên tục.
Con sẽ phát triển chiều cao, cân nặng chậm hơn các bé khác. Đó là điều cũng dễ hiểu. Mẹ nên cho con bú thường xuyên và cai sữa muộn, hoặc cho con uống loại sữa dành riêng cho bé suy dinh dưỡng nhẹ cân. Thường xuyên theo dõi chiều cao cân nặng của bé. Nếu phát triển đúng quy chuẩn, mẹ có thể yên tâm. Nếu không, phải đưa con đi khám bác sỹ để nghe tư vấn trực tiếp.
Con có thể bị ảnh hưởng những di chứng về tâm thần. Nếu trẻ bị nhẹ cân và suy dinh dưỡng được chăm sóc tốt, sau 1 – 2 năm sẽ phát triển bằng bạn bè cùng lứa tuổi. Một số bé bị suy dinh dưỡng ở mức độ cao, không tránh khỏi những dấu hiệu phát triển chậm về thần kinh. Mẹ nên nhờ bác sỹ theo dõi và tư vấn về sự phát triển của con nhé!
Bé sinh ra nặng dưới 2,5kg bị nhẹ cân và suy dinh dưỡng từ trong bào thai. Có 3 mức độ suy dinh dưỡng:
- Loại nhẹ: có chiều dài bình thường và cân nặng giảm ít so với các bé có tuổi thai tương ứng.
- Loại trung bình: có chiều dài và cân nặng giảm, vòng đầu vẫn bình thường.
- Loại nặng: cả chiều dài, cân nặng và vòng đầu của bé đều giảm.
Mẹ nên nhớ, sức khỏe của mẹ trong suốt thời kỳ mang thai ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của thai nhi.
Vì vậy, muốn con khỏe mạnh từ khi trong bụng mẹ, mẹ cần kiểm tra sức khỏe tổng quát, khám thai đều đặn trong suốt thai kỳ.
Đặc biệt, mẹ nên ăn uống đầy đủ các nhóm dưỡng chất: đạm, béo, tinh bột, có đủ vitamin, khoáng chất... Mẹ nên quan tâm đến chế độ làm việc và nghỉ ngơi đều đặn, ngủ đủ giấc, bổ sung sắt và canxi để con phát triển bình thường và khỏe mạnh.
Lương Hoàng
(Tổng hợp)