Hội nghị do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức, tham dự có Tổng thư ký LHQ Ban Ki Mun (Ban Ki-Moon) cùng hơn 60 nguyên thủ quốc gia đến từ châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh. Trong số các nước G8, chỉ có Thủ tướng I-ta-li-a tham dự.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thư ký Ban Ki Mun nêu rõ cuộc khủng hoảng lương thực ngày hôm nay là lời cảnh báo cho mai sau. Đến năm 2050, thế giới sẽ có 9,1 tỷ người, nghĩa là loài người cần có thêm 70% sản lượng lương thực so với hiện nay, trong khi thời tiết ngày càng khắc nghiệt và khó dự báo.
FAO triệu tập hội nghị trong bối cảnh tình trạng bất ổn về lương thực trên thế giới ngày càng nghiêm trọng, trong khi giá lương thực và thực phẩm ngày càng cao ở các nước đang phát triển làm cho số người bị đói không ngừng tăng trong những năm qua. Thêm vào đó, suy thoái kinh tế thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, khiến tình trạng nghèo đói càng thêm nghiêm trọng. Theo ước tính của FAO, số người bị đói trên thế giới trong năm 2009 có thể tăng thêm 100 triệu người, nâng tổng số người bị đói lên hơn 1 tỉ.
Tổng Giám đốc FAO, ông Giắc Đi-úp (Jacques Diouf) cho biết FAO triệu tập hội nghị này nhằm tìm giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Để kêu gọi sự quan tâm của dư luận đến vấn đề cấp bách đang đe dọa sự sống của hơn 1 tỉ người trên hành tinh, ông Đi-úp còn phát động một cuộc tuyệt thực 24 giờ .
Tuy nhiên, dư luận báo chí I-ta-li-a tỏ ra bi quan về kết quả hội nghị. Nhật báo "Il Tempo" cho rằng hội nghị không có một chương trình cụ thể và hiệu quả cho chống đói nghèo, khiến nhiều mục tiêu của hội nghị chưa có cơ sở để thành hiện thực. Đặc biệt, sự vắng mặt của nguyên thủ các nước phát triển hàng đầu thế giới, những người lẽ ra phải có mặt để cam kết và hiện thực hóa cam kết, càng làm giảm lòng tin vào kết quả của hội nghị./.