Ăn ít hay nhiều đều không tốt
Bác sĩ Lê Quang Hào, Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho rằng, những ngày đầu nhập học, nhất là những trẻ mới vào lớp 1, đa số trẻ đều có tình trạng căng thẳng, hoảng sợ vì thay đổi nếp sinh hoạt, bị ép vào khuôn khổ mới. Do chưa thích nghi nề nếp, chế độ dinh dưỡng của trường nên khẩu vị và thói quen ăn uống hàng ngày có thể ảnh hưởng dẫn tới tình trạng sụt cân, đau ốm, nhất là những trẻ biếng ăn.
Không ít cha mẹ lúc nào cũng sợ con đói, nên sáng đi học cố nhồi nhét cho con ăn quà, sau khi ăn sáng còn nhét thêm sữa, bánh kẹo vào cặp. Tối về lại cố ép trẻ ăn nhiều món ngon và bổ dù không biết rõ trẻ được ăn gì ở trường. Việc trẻ bị ép ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ bị béo phì. Hơn nữa, bữa ăn có quá nhiều chất bổ vào buổi tối khiến trẻ khó tiêu, khó ngủ.
Theo BS Nguyễn Thị Diệu, Khoa dinh dưỡng, BV Nhi TƯ, trong những tuần đầu, nhiều trẻ chưa quen với việc tự ăn hoặc vẫn giữ thói quen ở nhà dẫn đến tình trạng ăn chậm, ăn không hết khẩu phần. Sự thiếu hụt dinh dưỡng có thể làm trẻ bị suy dinh dưỡng. Với những trẻ kén ăn, ngoài việc nhắc nhở, cha mẹ nên cho trẻ mang theo những thức ăn nhẹ như sữa, bánh mỳ, bánh phô mai... để trẻ ăn bữa ăn phụ vào thời gian nghỉ giữa các giờ học. Cha mẹ cũng nên khuyến khích con tập ăn những món ăn mới trong các bữa ăn cuối tuần ở nhà.
BS Hào cho rằng, bữa ăn sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày. Cha mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng vào bữa sáng sẽ giúp trẻ có trí nhớ tốt, khả năng tập trung cao và có thể học tốt đến tiết học cuối cùng của buổi sáng. Nếu không ăn sáng hoặc bữa ăn không đầy đủ, trẻ rất dễ bị hạ đường huyết làm giảm khả năng tập trung khi học. Bữa sáng có thể cho trẻ ăn một tô mì gói, có thêm ít thịt, rau củ...
Kết hợp thực đơn của trường
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng, cha mẹ cần kết hợp với thực đơn ở trường để đảm bảo thức ăn của trẻ đầy đủ năng lượng và trẻ một ngày được ăn 4 - 5 bữa. Bao gồm: 2 - 3 bữa cơm với các loại thức ăn chế biến từ thịt, cá, tôm, cua, trứng, lạc, vừng, đậu đỗ, rau xanh và dầu mỡ và các bữa phụ là: Cháo hoặc súp, bún, phở, mỳ, sữa...
BS Nguyễn Thị Diệu khuyên, để trẻ được cung cấp đủ dưỡng chất, bữa ăn của trẻ cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: Protein (cá, sữa...), chất béo (thịt, sữa, cá...), vitamin và khoáng chất (cà rốt, gan, trứng...). Ngoài ra, nên cho trẻ uống thêm 200 - 400ml sữa và hoa quả chín sau các bữa ăn theo nhu cầu của bé.
Theo BS Hào, đáng lo ngại hơn ở các trường bán trú là tỷ lệ béo phì cao gấp hai lần tỷ lệ suy dinh dưỡng. Bởi trẻ học bán trú thời gian ngồi học nhiều hơn thời gian vận động. Béo phì sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, viêm xương khớp, sỏi mật, bệnh đái tháo đường...
Với trẻ đang bị thừa cân béo phì, cha mẹ cũng như nhà trường cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và tăng hoạt động thể lực để trẻ không tiếp tục tăng cân và thúc đẩy phát triển chiều cao đạt mức hợp lý giữa cân nặng so với chiều cao.
Cha mẹ phải nắm được tình hình ăn uống của trẻ qua thầy cô, tốt nhất nên dành chút thời gian trực tiếp đến trường vào giờ ăn trưa của trẻ để xem khẩu phần ăn như thế nào, trẻ có ăn hết không. Từ đó lên kế hoạch dinh dưỡng cho trẻ phù hợp. Cha mẹ cần theo dõi cân của con hàng tháng, nếu cân của các bé trong một vài tháng không tăng hoặc giảm thì trẻ đã bị ăn thiếu, còn tăng cân bình thường thì đã ăn đầy đủ.
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên, để trẻ học bán trú có đầy đủ dinh dưỡng tốt nhất cha mẹ cần phối hợp với nhà trường sao cho thực đơn ở nhà trường và ở nhà đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Việc xác định thực đơn cần rõ ràng cụ thể. Ngoài ra, cũng phải có sự phân chia thích hợp về số bữa và thành phần các chất dinh dưỡng ở trường và ở nhà, tránh cho trẻ không bị "quá tải" hoặc không bị "no dồn, đói góp".
Phương Thuận