Ở đâu khó ở đó có dự phòng
Cho trẻ uống vitamin A.
Sự xuất hiện của những bệnh truyền nhiễm mới nổi và sự quay lại của những bệnh dịch đã được khống chế thời gian qua như chất thêm gánh nặng cho hệ thống y tế dự phòng cả nước trong đó có Hà Tĩnh. Mặc dù là một địa phương còn thiếu thốn nhiều trong công tác phòng chống dịch bệnh nhưng với mục tiêu: giảm tối đa tỷ lệ chết và mắc dịch bệnh, giám sát phát hiện bệnh dịch ngay từ trường hợp bệnh đầu tiên, phấn đấu không để dịch lớn xảy ra..., Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch trên địa bàn, tăng cường giám sát dịch tễ, củng cố công tác thống kê báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế, hình thành mạng lưới y tế dự phòng bám sát cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, cùng các đơn vị điều trị và chính quyền các cấp xử lý các vụ dịch mới xuất hiện trên địa bàn.
Kể từ năm 1999 đến nay, trên địa bàn Hà Tĩnh không có vụ dịch lớn nào xảy ra, các vụ dịch nhỏ đều được khống chế. Điển hình là các vụ dịch cúm A/H5N1 tại Kỳ Phong- Kỳ Anh năm 2004, dịch SXH từ 2000 - 2008, dịch tiêu chảy cấp có phẩy khuẩn tả tháng 11/2008, dịch cúm A/H1N1 tại Kỳ Tiến- Kỳ Anh trong tháng 8/2009... đều được xử trí nhanh, khống chế và dập tắt kịp thời, không để một ca bệnh nào tử vong.
Tiêm chủng mở rộng là một thành công nổi bật
Với vai trò, trách nhiệm trong công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, trung tâm đã nâng cao tính xã hội hóa công tác tiêm chủng mở rộng. Các buổi tập huấn tăng cường về an toàn tiêm chủng được tổ chức rộng rãi. Chiến dịch tiêm vaccin phòng bệnh cho trẻ được triển khai đồng bộ. Toàn tỉnh có 262 điểm tiêm phòng các loại vaccin thuộc dự án tiêm chủng mở rộng và phục vụ nhu cầu tiêm chủng dịch vụ các loại vaccin của nhân dân. Do đó, từ năm 1991 đến năm 2009, Hà Tĩnh đã duy trì tỷ lệ trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi tiêm phòng đầy đủ 7 loại vaccin. Trong đó năm 2008, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 96,9%, tỷ lệ tiêm chủng vaccin viêm gan B đạt trên 98%, tỷ lệ tiêm vaccin sởi cho trẻ 10-15 tháng tuổi đạt 96,9%... Đặc biệt, năm 2000, cùng với toàn quốc, Hà Tĩnh đã thanh toán hoàn toàn bệnh bại liệt, năm 2002 thực hiện loại trừ uốn ván sơ sinh và từng bước khống chế, tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2012. Sự hưởng ứng của người dân với chất lượng của tiêm chủng mở rộng đã đưa hoạt động này thực sự mang tính xã hội hóa.
Ngoài công tác tiêm chủng mở rộng, trung tâm đã tiến hành phát động các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện tốt công tác giám sát triển khai chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tích cực triển khai công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh lao động, y tế học đường, kiểm dịch y tế biên giới, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thách thức trên con đường duy trì những thành quả đạt được và hướng đến những mục tiêu mới
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng công tác y tế dự phòng của tỉnh Hà Tĩnh đang phải đối mặt với những khó khăn, thử thách mới. Tình hình dịch bệnh mới nổi như dịch cúm A/H1N1 cùng các dịch bệnh cũ có nguy cơ xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, trung tâm cũng luôn phải đương đầu với các vấn đề khó khăn như: tính kháng hóa chất, thuốc của các loại vi khuẩn- virut, sự thay đổi sinh thái, môi trường kéo theo sự thay đổi về vùng xuất hiện dịch và các yếu tố dịch tễ mới. Đối với công tác tiêm chủng mở rộng, bên cạnh củng cố vững chắc kết quả phòng 7 bệnh nguy hiểm ở trẻ em, cần phải nâng cao, đi sâu vào chất lượng tiêm chủng. Trong khi một số bệnh dịch đã và đang được thanh toán như bại liệt, uốn ván, ho gà, bạch hầu... và một số bệnh ít xảy ra trên địa bàn tỉnh như dịch hạch, thương hàn thì nguy cơ bùng phát lan rộng của dịch tả, sốt xuất huyết đang rình rập.
Một vấn đề cũng rất đáng quan tâm là tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở Hà Tĩnh vẫn còn khoảng 23,9%. Đây là mối quan tâm của toàn xã hội, đặt ra thách thức mới cho hoạt động giáo dục dinh dưỡng của trung tâm. Giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em, cải thiện thể lực cho thế hệ mới, hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng nói chung và giáo dục dinh dưỡng nói riêng sẽ là hoạt động hàng đầu của trung tâm trong thời gian tới.
Các định hướng lớn của y tế dự phòng Hà Tĩnh đến năm 2020 là giảm tỷ lệ mắc, chết các bệnh truyền nhiễm gây dịch; thay đổi mô hình dịch bệnh, tăng cường phòng, chống các bệnh không lây như: bệnh nội tiết, đái tháo đường, tim mạch...; hạn chế và ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm như HIV/AIDS; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế dự phòng đáp ứng tốt với nhu cầu phòng chống dịch bệnh; tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ mang thai...
Với mục tiêu: “Mọi người dân đều có điều kiện hưởng thụ công tác chăm sóc y tế và phòng chống dịch bệnh”, trung tâm đang cố gắng duy trì bền vững những kết quả đạt được và cùng hệ thống dự phòng cả nước thực hiện những mục tiêu mới.
BS. Nguyễn Lương Tâm
(Trung tâm Y tế dự phòng Hà Tĩnh)