Lứa tuổi học đường, vấn đề dinh dưỡng có một vị trí quan trọng, vì đây là giai đoạn các em phát triển nhanh cả về thể chất và tinh thần. Đối với học sinh tiểu học vấn đề dinh dưỡng hợp lý càng quan trọng hơn. Vì giai đoạn này bộ não của các em đã hoàn thiện, chúng có thể học hỏi được rất nhiều nên nhu cầu về năng lượng cung cấp cho việc học tập tăng lên.
Các chuyên gia dinh dưỡng nhấn mạnh: Ở lứa tuổi này, cơ thể trẻ tuy phát triển chậm về mặt cân nặng và chiều cao, không còn phát triển một cách vượt bậc như trong những năm đầu đời. Nhưng, đây là giai đoạn tích lũy cần thiết chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh chóng thứ hai: dậy thì. Nếu không kịp thời bổ sung và bổ sung thường xuyên dinh dưỡng, thì các em sẽ bị suy dinh dưỡng, kém phát triển trí tuệ. Dĩ nhiên kết quả học tập sẽ rất thấp.
Dinh dưỡng cho lứa tuổi học đường là rất quan trọng, nhưng thực tế không phải bậc làm cha, làm mẹ nào cũng hiểu được tầm quan trọng của nó. Một trong các nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng và sức khỏe kém ở lứa tuổi học đường là do chế độ ăn uống chưa thực sự bảo đảm đầy đủ và cân đối về dinh dưỡng. Hằng ngày chúng ta dễ bắt gặp cảnh các em học sinh vừa ngồi sau xe đi học vừa ăn xôi, ăn bánh mì, uống sữa… Còn buổi tối thì các ông bố, bà mẹ lại “nhồi, nhét” bắt con ăn đủ thứ. Chính hai thái độ dinh dưỡng trái ngược trên đã dẫn đến tình trạng: Trong khi tỉ lệ suy dinh dưỡng trong cả nước vẫn cao, thì trong xã hội đã xuất hiện và ngày càng phát triển tình trạng dư thừa dinh dưỡng dẫn đến béo phì.
Có thể nói "Dinh dưỡng hợp lý là một hành lang an toàn nhỏ hẹp nằm giữa hai bờ vực thẳm của thiếu thốn và dư thừa". Điều quan trọng là các bậc phụ huynh và nhà trường phải bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho các em, khoảng 2.300 kcal/ngày đối với nữ và 2.700 kcal/ngày đối với nam.
Nhu cầu năng lượng cho các em lứa tuổi học đường là rất lớn tùy theo tuổi. Có thể cung cấp cho trẻ tổng cộng khoảng 5 bữa ăn trong ngày, trong đó có 3 bữa chính là bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều và thêm 2 bữa phụ vào lúc xế chiều và trước khi ngủ buổi tối khoảng một giờ. Số năng lượng này sẽ được cung cấp chủ yếu (khoảng 80-90%) qua các bữa ăn chính. Do vậy, thành phần các bữa ăn của trẻ phải đa dạng, nếu được, gia đình và nhà trường nên phối hợp chặt chẽ để thay đổi các món ăn hằng ngày tạo sự ngon miệng và thích thú cho trẻ khi ăn. Đồng thời, các bậc phụ huynh phải quan tâm, tìm hiểu con trẻ nhiều hơn, dùng thái độ khuyến khích ăn hơn là việc ép buộc, đe dọa. Tốt nhất là giảng giải, khơi dậy sự tự nhận thức và hành động của trẻ. Các bậc phụ huynh nên quan tâm nhiều hơn đến con em mình, dịu dàng, nhưng phải kiên quyết và tránh nuông chiều những thói quen không hay trong bữa ăn của trẻ như: Vừa ăn vừa xem sách, vừa ăn vừa chơi điện tử, ăn trễ giờ quy định, bỏ bữa, thay bữa chính bằng các món ăn phụ. Nếu có điều kiện, nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia vào công việc chuẩn bị bữa ăn, lựa chọn thực đơn. Kiên quyết không cho con em mình ăn vặt, ăn hoặc uống các đồ ngọt trước bữa ăn chính. Bữa ăn chính phải đủ các nhóm thức ăn cơ bản: Bột, đường, đạm (cả động vật và thực vật), béo (dầu ăn, vừng, lạc…) và các loại rau, trái cây cung cấp vitamin và chất khoáng. Sữa là một thức ăn phụ rất tốt cho trẻ ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, cần lưu ý sữa không thể là thức ăn chính thay thế các thức ăn cơ bản.
Sẽ không có một môi trường học tập tốt khi thể lực các em chưa tốt. Do vậy, việc chăm lo sức khỏe cho học sinh không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà còn là của toàn xã hội. Dinh dưỡng cho tuổi học đường tuy là bài toán khó, nhưng nếu có sự đồng thuận giữa ngành giáo dục, ngành y tế và gia đình thì chúng ta hoàn toàn có thể giải được bài toán này.
Bác sĩ: QUỐC TUẤN